08/12/2021

TRUNG TÂM ỨNG CỨU KHẨN CẤP KHÔNG GIAN MẠNG VIỆT NAM

Cổng TTĐT phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác

Phiên bản thử nghiệm
20/04/2024

Cách đối phó khi bị ‘khủng bố’ qua điện thoại?

Tôi không may sử dụng lại sim điện thoại của người đã dùng số này đăng ký vay tiền ngân hàng nên mỗi ngày nhận ít nhất 5 cuộc gọi đòi tiền. (Nguyễn Văn Chiến)

Nhân viên thu hồi nợ của Ngân hàng nhất định không đồng ý khi tôi nói mình không phải là người vay. Họ yêu cầu tôi viết đơn, mang thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân) lên phòng chăm sóc khách hàng tận TP HCM để được yêu cầu xóa số khỏi hệ thống.

Tôi thấy yêu cầu này rất vô lý vì tôi là nạn nhân, không việc gì phải viết đơn và cung cấp thông tin, chưa kể bỏ hai ngày đi và về. Trong trường hợp này, tôi nên làm sao để bảo vệ mình và tố cáo hành vi trái pháp luật của bên cho vay tiền?

Luật sư trả lời

Việc nhân viên ngân hàng có hành vi sử dụng số điện thoại của bạn để gọi điện quấy rối nhằm đòi một khoản nợ mà bạn không có liên quan là hành vi trái pháp luật.

Theo điểm a khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi quấy rối có tính chất nghiêm trọng, người có hành vi quấy rối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh tương ứng như tội làm nhục người khác quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự đối với hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” với hình phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu phạm tội hai lần trở lên hoặc “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trong trường hợp người có hành vi quấy rồi mà “bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm nếu phạm tội có tổ chức hoặc “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.

Để ngăn chặn tình trạng này, trước hết bạn cần chủ động ghi âm các cuộc gọi đến quấy rối số điện thoại của mình để xác định đối tượng quấy rối đó là ai, thuộc ngân hàng hay doanh nghiệp nào để làm bằng chứng tố cáo kẻ quấy rối cũng như bảo vệ quyền lợi của mình. Tiếp theo, bạn cần có văn bản yêu cầu ngân hàng hay doanh nghiệp này phải chấm dứt ngay việc gọi điện cho bạn. Trường hợp vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, bạn có thể khiếu nại bằng văn bản hoặc thư điện tử cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) để yêu cầu giải quyết.

Theo đó, doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối hoặc khóa chiều gọi đi của thuê bao gọi quấy rối. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể khiếu nại đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

Trong nội dung khiếu nại, bạn cần cung cấp họ tên, số điện thoại của mình; tên của Ngân hàng có hành vi quấy rối và tóm tắt nội dung sự việc. Ngoài ra, bạn có thể viết đơn tố cáo trình báo lên cơ quan công an nơi có trụ sở của ngân hàng này để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hành chính với người có hành vi quấy rối và buộc dừng ngay việc gọi điện quấy rối, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *