08/12/2021

TRUNG TÂM ỨNG CỨU KHẨN CẤP KHÔNG GIAN MẠNG VIỆT NAM

Cổng TTĐT phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác

Phiên bản thử nghiệm
15/11/2024

Quấy rối qua điện thoại có thể bị phạt tù

Hành vi gọi điện thoại liên tục cho một người dùng để đòi nợ – nhưng người đó không hề nợ – được xem là hành vi quấy rối và có thể bị phạt tù.

Ảnh minh họa

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, LS. Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết có thể tạm gọi những người bị gắn số điện thoại tham chiếu trong các hợp đồng cho vay tín dụng của các công ty tài chính là “người thân” dù thực tế có thể họ hoàn toàn xa lạ với người đi vay.

Người dùng có thể “tố” bị quấy rối

Khi làm thủ tục cho vay tài chính, giữa người vay và công ty tài chính luôn phải có một hợp đồng cho vay. Nếu trong hợp đồng này không có bất kỳ chữ ký nào của “người thân” nào đó của người vay thì “người thân” kia sẽ không có bất kỳ trách nhiệm nào với hợp đồng tài chính giữa công ty tài chính và người vay.

Do đó, khi công ty tài chính đòi nợ người cho vay, họ có thể gọi đến số điện thoại “người thân” để xác minh, nhưng khi “người thân” không nhận thì công ty phải ngưng ngay việc gọi điện đòi nợ. Công ty tài chính có thể thưa kiện trực tiếp người vay ra toà vì vi phạm hợp đồng nhưng không thể dùng các biện pháp gọi điện gây áp lực hay “khủng bố”.

Việc làm này là vi phạm pháp luật dù với người đang vay nợ chứ chưa cần nói đến những “người thân” bỗng dưng bị “khủng bố” nêu trên. Các hành vi bị cấm này được quy định lại Luật viễn thông (“Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”) và Luật công nghệ thông tin (“Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”).

Về phía người dùng, LS. Đức khuyến cáo họ nên chủ động ghi âm các cuộc gọi đến quấy rối số điện thoại của mình để xác định “đối tượng” đó là ai. Lần đầu có thể người dùng chưa biết, nhưng những lần sau đó họ hoàn toàn có thể ghi âm để làm bằng chứng tố cáo kẻ quấy rối, cũng như bảo vệ quyền lợi của mình.

Sau đó, người dùng có thể phản ánh đến nhà mạng, công ty tài chính, các cơ quan chức năng, hội bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị báo chí tin cậy… để kêu gọi sự hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Quấy rối có thể bị phạt tù

Đối với các hành vi bị cấm đã nêu theo quy định của Luật viễn thông và Luật công nghệ thông tin ở trên, những cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, thì chủ thể sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Thậm chí, theo Bộ luật hình sự năm 2015, bổ sung sửa đổi năm 2017, quy định về tội làm nhục người khác thì “người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Nếu phạm tội 2 lần trở lên hoặc có “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” thì sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Còn quy định về tội vu khống thì chủ thể “bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Thậm chí bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm nếu phạm tội có tổ chức hoặc “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.

Nhà mạng cũng phải có trách nhiệm!

Về trách nhiệm của các nhà mạng di động, căn cứ vào Luật bảo vệ người tiêu dùng, LS. Đức cho rằng họ không phải chịu trách nhiệm gì trong câu chuyện của công ty tài chính và người đi vay. Nhà mạng cũng không phải chịu trách nhiệm về cuộc gọi ban đầu giữa công ty tài chính và những người bỗng dưng trở thành “người thân” – những người dùng có số điện thoại bị chọn vào số tham chiếu trong hợp đồng cho vay của công ty tài chính và người vay – bởi đó chỉ đơn thuần là trao đổi cá nhân giữa những người dùng.

“Nhưng khi người dùng cảm thấy mình bị quấy rối bởi những số điện thoại từ các công ty tài chính nhiều lần thì họ có thể yêu cầu nhà mạng phải có biện pháp ngăn chăn số quấy rối, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Lúc này nhà mạng phải có trách nhiệm xác minh, theo dõi và có biện pháp bảo vệ người dùng thích đáng”, LS. Đức cho biết.

Nguồn: https://congnghe.tuoitre.vn/10.https://congnghe.tuoitre.vn/quay-roi-qua-dien-thoai-co-the-bi-phat-tu-20180531110316646.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *