08/12/2021

TRUNG TÂM ỨNG CỨU KHẨN CẤP KHÔNG GIAN MẠNG VIỆT NAM

Cổng TTĐT phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác

Phiên bản thử nghiệm
19/09/2024

Cảnh báo các hình thức lừa đảo phổ biến qua điện thoại trong tuần 25

Trong tuần 25 (năm 2024), qua theo dõi, giám sát tình hình phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi trên hệ thống 5656/156, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) – Cục An toàn thông tin vẫn ghi nhận các phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Hãy cùng điểm lại những phản ánh nổi bật trong tuần 25:

     1.Cẩn thận với những tin nhắn rác quảng cáo trang web cá độ bóng đá mùa Euro, Copa America

Trước thông tin giải vô địch bóng đá châu Âu – Euro 2024 và giải vô địch bóng đá Nam Mỹ – Copa America 2024 đã bắt đầu, đây là khoảng thời gian phát sinh, gia tăng các hình thức đánh bạc, cá độ bóng đá, lôi kéo số lượng người chơi lớn, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, xã hội.

Tình trạng tin nhắn, cuộc gọi từ các số điện thoại lạ mời chào tham gia cá độ trực tuyến ngày càng gia tăng với tần suất liên tục. Hầu hết các tin nhắn này đều có nội dung mang tính chất dụ dỗ thông qua các website, ứng dụng để quảng cáo, lôi kéo người chơi mở tài khoản tham gia cá độ bóng đá. Nhà cái đưa ra hàng loạt những khuyến mãi, người dùng nạp tiền để nhận thưởng 100% tiền mặt, 1-5 triệu đồng…

Với tình trạng trên, Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật. Người dân đam mê và yêu thích bóng đá nhưng cần kiên quyết tránh xa các hình thức cá độ bóng đá, phải ý thức được hành động tham gia cá độ bóng đá là hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả, tác hại của việc đánh bạc đến đời sống của bản thân, gia đình và xã hội.

     2.Tiếp tục ghi nhận các phản ánh những tin nhắn mời chào dịch vụ “nhạy cảm”

Trong thời gian gần đây, nhiều người dùng phản ánh rằng họ lại tiếp tục bị “tấn công” bởi hàng loạt tin nhắn gạ tình, mời chào bán dâm. Gửi kèm theo nội dung tin nhắn là các đường link (thường là link tham gia nhóm Telegram, Zalo hoặc các website có hình ảnh nhạy cảm). Các đối tượng này dụ dỗ con mồi vào các hội nhóm mạng xã hội như Zalo, Telegram… qua các đường dẫn.

Sau khi kết nối trò chuyện, lấy mục đích để dễ dàng kết nối bạn tình một cách thuận lợi, các đối tượng này sẽ hỏi thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ hiện tại. Bước tiếp theo, kẻ xấu cung cấp hàng loạt những hình ảnh các cô gái ăn mặc mát mẻ, cho nạn nhân thoải mái chọn lựa nhằm mục đích tạo lòng tin. Sau khi đã lấy được lòng tin, kẻ lừa đảo yêu cầu đóng phí tham gia nền tảng kết nối bạn tình để được ghép đôi. Nạn nhân sẽ bị chiếm đoạt tài sản nếu nhẹ dạ cả tin chuyển khoản vào tài khoản được đối tượng xấu cung cấp.

Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo khi người dân nhận được các tin nhắn nêu trên, yêu cầu tuyệt đối không được ấn vào đường link lạ đó.

     3.Cảnh báo lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng lãi suất thấp

Kẻ lừa đảo gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp. Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ (bao gồm số thẻ và mã CVV, thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin), hình ảnh CMND/CCCD, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút.

Hiện nay hầu hết các website thương mại điện tử đều chấp nhận cho khách hàng sử dụng mã CVV/CVC khi thanh toán online thay cho mã pin. Chỉ cần nhập 4 thông tin là số thẻ tín dụng, thời hạn hết hiệu lực của thẻ, họ tên chủ thẻ và mã CVV/CVC là có thể thực hiện giao dịch.

Do đó, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dùng không nên để lộ dãy số thẻ tín dụng và mã CVV/CVC cho người khác biết, tạo nguy cơ bị mất tiền rất cao do họ có thể lợi dụng những thông tin này để thực hiện các giao dịch bất chính thông qua thanh toán, mua hàng online. Không những thế việc để lộ số CVV/CVC còn là “cơ hội vàng” để các tin tặc tiếp cận và thực hiện chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp mà khách hàng không hề hay biết.

Trước thực trạng các tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo diễn ra, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới Doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng trên. Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.

Nguồn: VNCERT/CC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *